Xã Phước Tân: phát động tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2023
Ngày 19/4/2023 xã Phước Tân tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm” năm 2023.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện còn phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng, chống dịch, đồng thời phải bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới, chủ đề “Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm” năm 2023 được chọn là: “Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người dân. Vấn đề an toàn thực phẩm hiện đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc. Ngày 15/4/1999 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg về việc “Tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”, trong đó Thủ tướng yêu cầu hàng năm các địa phương tổ chức Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm nhằm vận động toàn thể nhân dân, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội tích cực tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh dịch do ăn uống và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngày 11/12/2014 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo An toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; ngày 09/5/2016 ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.
Trong những năm qua UBND xã Phước Tân đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm và đã đạt được một số kết quả tích cực: Công tác thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức và chuyển biến hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, thực phẩm, dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm tăng; Công tác kiểm tra, test nhanh thực phẩm thường xuyên đã làm giảm tỷ lệ vi phạm; Công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm được triển khai thực hiện hiệu quả, những năm gần đây không xảy ra ngộ độc tập thể tại các bếp ăn tập thể; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích cực tham gia vận động, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã quy mô nhỏ, thủ công, hộ gia đình nên khó áp dụng và đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn thực phẩm nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 hàng năm, là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn; Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.